• Trung tâm đào tạo và nghiên cứu quản lý công

      Trường đại học quốc tế ĐHQG - HCM

    Việt Nam đang trong tiến trình đẩy mạnh cải cách hành chính, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế của thế giới. Để hội nhập thành công, ngoài sự quyết tâm về mặt chính trị, Việt Nam cần phải tự xây dựng mô hình quản lý có hiệu quả. Hành chính công và quản lý công vừa là khoa học vừa là nghệ thuật quản lý. Trong nhiều tài liệu của các nước, hành chính công, quản lý công, quản trị quốc gia hay quản lý hành chính nhà nước có sự đồng nhất với nhau trong nhiều trường hợp, được sử dụng thay thế cho nhau. Do đó, theo cách hiểu chung, hành chính công là thiết chế thực hiện quyền hành pháp, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Theo nghĩa rộng thì hành chính công còn được hiểu là nền hành chính của một đất nước. Nền hành chính là khái niệm tổng quát, bao gồm các yếu tố như hệ thống thể chế; pháp luật; thủ tục hành chính; chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính nhà nước các cấp; đội ngũ cán bộ, công chức; nguồn lực tài chính và các điều kiện vật chất và kỹ thuật đảm bảo thực thi công vụ hiệu quả.

    Nền hành chính phát triển phải phối hợp và điều hoà các nguyện vọng cá nhân với lợi ích của cộng đồng, của đất nước, hướng tới các mục tiêu của một xã hội dân chủ. Theo cách tiếp cận này, hành chính công được coi là quản lý công hay mô hình quản lý công mới. Đó là sự điều hành, giám sát và quản lý các chủ thể khác nhau của xã hội nhằm phục vụ tốt hơn các nhu cầu chính đáng của nhân dân. Do vậy, quản lý công là cách tiếp cận mới đối với hành chính công truyền thống, nhằm cải cách chất lượng quản lí nhà nước, hướng tới một nền hành chính năng động, linh hoạt hơn.

    Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, thành phố Hồ Chí Minh luôn là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, TP. HCM còn rất nhiều thách thức phải giải quyết. Một trong những thách thức là chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của TP. HCM khá thấp so với các tỉnh thành khác (47/63 tỉnh thành). (Chỉ số PAPI là sự đánh giá của người dân về 3 mặt chính: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công). Đội ngũ cán bộ, công chức là người trực tiếp xây dựng, thực thi các chính sách, kế hoạch của cơ quan công quyền, là người thực hiện các giao tiếp giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với doanh nghiệp và người dân. Như vậy, năng lực xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát của cán bộ, công chức là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả quản lý công, thậm chí quyết định sự thành công hay thất bại của đường lối, chính sách của tổ chức. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức phải được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về năng lực công tác, kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức quản lý hiện đại, có nền tảng kiến thức vững chắc sẵn sàng cho sự thay đổi trong quá trình hội nhập quốc tế, tinh thần trách nhiệm và phục vụ và là một phần trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

    Là đầu tàu kinh tế của cả nước, với gần 320 đơn vị hành chính (phường, xã, thị trấn) và nhiều sở ban ngành, tuy nhiên, nếu để sánh tầm với các thành phố trong khu vực châu Á, trở thành một nơi đáng sống và tiến tới xây dựng thành phố thông minh, thì TP. HCM càng phải đầu tư mạnh hơn vào công tác bồi dưỡng năng lực quản lý hành chính công cho đội ngũ cán bộ, công chức.

    Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý công là chương trình duy nhất được thiết kế đào tạo bằng tiếng Việt tại trường Đại học Quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở tại TP. HCM năng lực quản lý kinh tế, xã hội, năng lực xây dựng và thực thi chính sách, năng lực lãnh đạo và bản lĩnh chính trị vững vàng, có thể đảm nhận và làm tốt các vị trí lãnh đạo trong khu vực công và quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số hiệu quả quản lý và hành chính công của TP. HCM xứng tầm khu vực. Cụ thể, đối tượng học viên của chương trình là các cán bộ, công chức đang làm công tác quản lý không chỉ tại quận, huyện, sở, ban, ngành mà còn mở rộng đến cấp xã, phường. Bên cạnh đó, chương trình cũng mở rộng ra các đối tượng học viên đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các tổ chức phi chính phủ muốn nâng cao trình độ hiểu biết về lĩnh vực quản lý công và ứng dụng của nó trong công việc đang đảm nhận. Chương trình đào tạo được thiết kế nhằm mục tiêu giúp học viên:

    • Có kiến thức vững vàng về Quản lý công hiện đại, biết ứng dụng kiến thức kinh tế, tài chính, truyền thông, phương pháp nghiên cứu khoa học… vào việc xây dựng, thực thi đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

    • Có kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý nhân sự trong khu vực công.

    • Có tầm nhìn chiến lược và có kiến thức giúp việc xây dựng và thực thi chính sách công một cách hữu hiệu.

    • Hiểu tâm lý quần chúng, có khả năng thực hiện các chương trình truyền thông đúng chủ trương và hợp lòng quần chúng, có khả năng xử lý khủng hoảng.

    • Có khả năng nhận biết, đánh giá các vấn đề về đạo đức trong công việc và trong các lĩnh vực liên quan.

    • Có khả năng giao tiếp tốt, khả năng đọc hiểu tiếng Anh trong môi trường làm việc và môi trường xã hội.

    • Có cơ hội giao lưu học tập kinh nghiệm quản lý công tại nước ngoài.

    • Có cơ hội tham gia các hội thảo quốc tế chuyên đề để nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu trong lãnh vực quản lý công của Việt Nam ra thế giới

    • Có các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, truyền thông và trình bày trước đám đông.